KokoronoNiwa’s diary

書くことで心を癒す

Tuổi thơ không có vé để quay về

f:id:KokoronoNiwa:20180125134733j:plain

Chắc hẳn không ít người trong chúng ta đã từng đọc tác phẩm "Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ" và cảm nhận được những kỷ niệm, những ký ức tuổi thơ vô cùng đẹp đẽ ở miền quê được miêu tả bằng giọng văn mộc mạc, tình cảm mà vô cũng hài hước của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Riêng tôi, tôi đọc hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, vì trong những trang sách ấy, tôi như chạm được vào ký ức của chính mình. Cũng miền quê nghèo, cũng lũ trẻ khét nắng với những trò chơi đậm chất dân dã, nông thôn... Những ký ức tưởng chừng đưa tay với là cầm nắm được, nhưng bỗng chợt tan ra, khiến tôi hốt hoảng kiếm tìm.
Dạo gần đây, đêm nào tôi cũng mơ, những giấc mơ về thời tuổi thơ êm ả với đồng ruộng, với trâu bò, gà lợn, với những trò chơi u, năm mười, tắm mương, đóng kịch, hát cải lương... cùng lũ bạn trong xóm, với những tiếng cười rộn rã cả một miền quê. Những kỷ niệm vui khôn tả xiết, vậy mà sao tôi luôn thức giấc với những giọt nước mắt còn thấm đẫm trên mặt!? Phải chăng nỗi nhớ nhà, nhớ quê trong tôi đã quá lớn và lòng tôi đã quá chật chội không chứa nổi những nỗi niềm.

Đêm qua tôi lại mơ, mơ về đêm 24 âm lịch.
Ở làng tôi ngày trước, hàng năm đều có tổ chức lễ cúng Thành Hoàng làng vào tối 24 âm lịch. Thời đó, làng quê còn nghèo, mọi người chủ yếu làm nông nên dịp nông nhàn cuối năm bà con thường không mấy bận rộn. Nhưng cận tết thì lại khác, nhà nhà nhộn nhịp quét dọn, lau chùi, trồng hoa, bày biện... Không khí làng quê trở nên rộn rã với những tiếng í ới gọi nhau phụ gói bánh, làm mứt, làm củ kiệu dưa món...
Và ngày 24 là ngày đặc biệt tưng bừng trong ký ức của tôi. Ngày nhà tôi mổ heo ăn tết và bán cho bà con (bán chịu đến mùa đong lúa :d). Phần đầu thủ sẽ được dành riêng cho lễ cúng Thành Hoàng.
Buổi chiều, người dân trong làng sẽ tập trung tại nhà tôi để nấu nướng và chuẩn bị làm đồ cúng. Tôi vui mừng lăn quăn chạy tới chạy lui trong không khí bận rộn đó và nôn nao chờ đợi cho mau đến tối.
Trời sập tối, ăn uống xong là lũ con nít tụ tập về hội trường thôn, nơi mà người làng tôi hay gọi là Trụ Sở (cũng là trường mẫu giáo mà tôi theo học 3 năm ròng) nằm ngay sau lưng nhà tôi. Chúng tôi chơi đủ thứ trò chờ đến lúc làm lễ xong để được ăn đồ cúng. Nhưng thời gian làm lễ là 12h khuya, quá trễ so với lũ trẻ nhà quê thường đi ngủ lúc 8,9h như chúng tôi, vì vậy cũng có lúc quá mệt, chúng tôi lăn quay ra ngủ giữa chừng.
Tuy nhiên, đa phần sự phấn khích luôn khiến chúng tôi vượt qua cơn buồn ngủ để chứng kiến được thời khắc quan trọng nhất là lúc ông cụ Bôn, người cao niên nhất làng, mặc áo dài the màu đen đại diện dân làng đứng ra khấn vái. Thật ra, đó là thời khắc quan trọng nhất với người lớn trong làng, chứ bọn trẻ con bọn tôi thì quan trọng nhất vẫn là lúc được ăn cỗ. Ăn chẳng bao nhiêu, nhưng chúng tôi vừa ăn vừa cười ngặt nghẻo. Ôi nhớ không chịu nổi! 24 thôi, nhưng đó chính là cái hồn ngày Tết quê tôi đấy!

Thời gian qua đi, dần dà không hiểu vì đâu làng tôi không cúng Thành Hoàng vào ngày 24 âm lịch nữa (hoặc có nhưng chỉ làm qua loa đơn giản nên tôi không biết). Các cụ cao niên cũng dần qua đời. Bọn trẻ thì cứ thế lớn lên và bôn ba tứ xứ. Chính bản thân gia đình tôi, từ năm tôi học lớp 10 cũng đã rời quê đến sinh sống gần đường quốc lộ nơi có vẻ thành thị hơn một chút nhưng tết chẳng có gì vui. Sau đó, hàng năm nhà tôi vẫn về nhà cũ ăn tết được vài năm, rồi dần dà cũng vì bất tiện nên không về nữa.
Mà dù có về, thì cũng không còn ông cụ Bôn, không còn ngày cúng Thành Hoàng, không còn bọn trẻ con bạn tôi nữa... Làng xóm bây giờ khang trang hơn, có điện rồi, đường bê tông hóa rồi, nhưng người dân có vẻ không còn háo hức mong chờ Tết đến nữa.
Không khí Tết truyền thống giờ đây như một thứ xa xỉ hiếm có khó tìm.
Nhớ! Nhớ nhiều lắm!